Chùa Dơi- Sóc Trăng
Chùa Dơi (hay chùa Mã Tộc, chùa Wathsêrâytecho Mahatup) thuộc khóm 9, phường 3, thành phố Sóc Trăng, cách trung tâm thành phố khoảng 3km về hướng Đông Nam. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất tại Sóc Trăng, được xây dựng cách đây hơn 400 năm .
Chùa có tên là chùa Dơi vì nơi đây là địa điểm trú ngụ của rất nhiều loài dơi to lớn, số lượng ước tính lên đến hàng triệu con. Đến chùa Dơi du khách bắt gặp hình ảnh những chú dơi treo mình trên cây để ngủ, chiều tối bay rợp khuôn viên của chùa. Chính điều này tạo nên vẻ đặc sắc, riêng có của nơi đây.
Theo lời kể của các già làng, Chùa đã trải qua 19 đời Đại Đức, được xây dựng cách đây 400 năm tại tỉnh Sóc Trăng. Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu.
Cũng giống như bao Chùa Khmer khác, Chùa Dơi gồm ba công trình kiến trúc chính là chánh điện, sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia – người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa, phòng ở của sư trụ trì và các vị sư khác, các tháp để tro người chết,…
Khuôn viên trong chùa rộng khoảng 4 héc ta với chính điện, các khu nhà rêu phong khá cổ kính, những hàng cây sao cổ thụ to cao vút chiếm trọn không gian từ ngoài cổng cho đến hậu viện của chùa. Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn có một ao cá khá rộng với không gian mát dịu được bao bọc bởi nhiều cây xanh.
Mỗi công trình nghệ thuật tại chùa Dơi đều là một chỉnh thể mỹ thuật độc đáo bởi đôi tay điêu luyện của các nghệ nhân Khmer đã kiến tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp bậc nhất với mái hai lớp ngói màu. Bốn đầu mái được chạm trổ tinh xảo biểu tượng rắn Naga cong vút, trên đỉnh chùa có một tháp nhọn. Hàng cột đỡ bao quanh chùa đều có biểu tượng tiên nữ Kemnar với đôi tay chắp trước ngực như đang cất lời chào đón, chúc phúc du khách tham quan.
Kiến trúc khu chính điện của chùa Dơi có kiến trúc nhiều mái bậc, các đầu mái hình đuôi rắn cong vút, có hành lang bao quanh, có nhiều cột, trên đỉnh các cột có hình chim Raruda,… riềm mái giống các chùa Khơ-me Nam Bộ khác.
Bước vào chánh điện, du khách sẽ có dịp trực tiếp chiêm ngưỡng và khám phá thêm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc Khmer Nam bộ với vô số tượng phật lớn, nhỏ và pho tượng phật Đức Thích Ca Mâu Ni được sơn son thiếp vàng, cao khoảng 2m, được tôn trí trên bệ thờ cao một mét rưỡi trong tổng thể họa tiết hoa văn hình cánh sen, hình chim muông, hoa lá … gần như hòa quyện với sắc thái đình, chùa truyền thống của người Việt.
Bên ngoài chính điện được trang trí bằng các hoa văn, phù điêu mang đặc trưng của kiến trúc Khmer Nam Bộ.
Ngoài ra, Chùa Dơi còn là nơi lưu giữ nhiều bộ kinh luận viết trên lá cây thốt nốt. Theo truyền thuyết ghi lại đến nay, Chùa Dơi đã trải qua 19 đời đại đức trụ trì. Còn dựa vào văn bản được ghi chép lại trên lá thốt nốt, do trải qua năm tháng đã dần mục nát, nay chỉ còn lưu dấu từ đời thứ 12 về sau.