Khu di tích Bình Tả
Khu di tích Bình Tả thuộc xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, cách thành phố Tân An 40km.
Khu di tích Bình Tả là chứng minh lịch sử cho sự phát triển một thời hoàng kim của nền văn hóa Óc Eo tại nơi đây.
Khu di tích Bình Tả nằm trong một tổng thể di tích với hơn 60 di tích khảo cổ học đã được khảo sát, tập trung trên địa bàn huyện Đức Hòa, gồm 17 phế tích kiến trúc và di chỉ cư trú phối hợp với một hệ thống bàu nước cổ ở xung quanh. Được phát hiện đầu tiên vào năm 1910 do nhà khảo cổ học người Pháp - Henry Parmentier; năm 1931 J. Y. Claeys cho đến nay vào các nhà khảo cổ đã phát hiện 3 di tích nhỏ.
1. Di tích Gò Đồn: là loại kiến trúc đền tháp xây bằng gạch, chiều dài đông tây 78,5 mét; chiều ngang chỗ rộng nhất (chiều bắc nam) 60 mét, toàn bộ kiến trúc trước khi khai quật đều nằm trong lòng đất, chỗ gần mặt đất nhất là 0,4 mét. Cuộc khai quật đã thu thập được nhiều hiện vật bằng đá như tượng thần Dravapala (thần giữ đền), đầu tượng thần Ganesa (phúc thần), nhiều vật thờ như linga, yoni, máng dẫn nước thiêng (somasutra), bàn nghiền hương liệu (pesani), mi cửa chạm trỗ hoa văn thực vật, trụ đá chạm hoa văn thực vật… và nhiều đồ gốm cổ. Trong hố thờ trung tâm của di tích sâu khoảng 3 mét còn có một linh vật (yoni) đã vỡ và nhiều viên đá cuội, được đoán định là đá thờ.
2. Di tích Gò Xoài: là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, có dạng gần vuông với mỗi cạnh dài khoảng 20 mét, nền móng của kiến trúc có cấu tạo rất rắn chắc và phức tạp, gồm nhiều loại vật liệu khác nhau như cuội basalt (ba- dan), sỏi đỏ, cát trắng, cát hồng… Kiến trúc Gò Xoài có hố thờ hình vuông, cạnh 2,2 mét; sâu trên 2,5 mét, ở gần đáy hồ thờ đã phát hiện được tro xương và một sưu tập hiện vật quý giá gồm nhiều mảnh vàng nhỏ, mỏng khắc chạm hình bông sen và những linh vật như rùa, rắn, voi, những chiếc nhẫn và mề đay nạm đá quý và một bản minh văn Sanskrit - Pali.
Lá vàng chạm hình voi tại Di tích Gò Xoài
3. Di tích Gò Năm Tước: là một di tích kiến trúc xây bằng gạch, dài 17,2 mét; rộng 11 mét, phần trên của kiến trúc đã bị mất nhưng ở phần nền móng còn giữ được những đặc điểm của kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo như bình đồ hình chữ nhật bẻ góc nhiều lần và cân xứng nhau qua trục bắc - nam, các đường móng gạch rất thẳng, mặt chính của kiến trúc có tam quan hình bán nguyệt hướng về phía đông… đây chính là những đặc điểm chính một kiến trúc đền thờ Ấn Độ Giáo.
Khu di tích khảo cổ học Bình Tả đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử- văn hóa quốc gia tại Quyết định số 1570/VH-QĐ ngày 5/9/1989./.