Tại sao lại có tục kiêng để mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng vào ngày cưới?
Thông thường sau khi gia đình nhà trai làm lễ đón dâu, cô dâu mới sẽ theo chồng về nhà. Lúc này mẹ đẻ không được đưa con gái về nhà chồng mà chỉ có bố cô dâu cùng các bậc cao tuổi, anh chị em trong nhà và bạn bè làng xóm bên nhà gái đưa con gái về làm dâu.
Lý do có tục kiêng này là vì trong chế độ phong kiến thời kỳ trọng nam, khinh nữ, hôn nhân thường do cha mẹ quyết định, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Thực ra trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ buộc phải nghe theo mà không được quyền quyết định gì. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp: Ngày vu quy, đáng lẽ là ngày vui nhất của gia đình nhưng vì ép buộc hôn ước vì thế người con gái thì tủi phận khóc, mẹ thì thương con, khi đưa con đến nhà chồng, trong lúc nhà giai đang ăn uống hội họp vui vẻ thì mẹ dắt tay con gái trốn về. Khi tiệc tan nhà trai không tìm thấy cô dâu đâu cả, vì thế để tránh tình trạng mẹ cô dâu, dẫn cô dâu bỏ trốn, nên có tục kiêng mẹ đẻ đưa con gái về nhà chồng, tục lệ bắt đầu là vì lý do này.
Thường thì người đưa cô dâu về nhà chồng chính là bố cô dâu, bởi chính trong chế độ phong kiến, thì người cha chính là người quyết định tất cả mọi chuyện trong gia đình, kể cả việc cho con gái đi lấy chồng.
Tại sao có tục mẹ đẻ đưa trâm hoặc bảy chiếc kim cho con gái trước khi về nhà chồng
Đây chính là thứ bí truyền do người mẹ "thì thầm" với con gái vào trước ngày về nhà chồng và tục lệ này được truyền từ đời này qua đời khác, đến nay một số địa phương vẫn còn lưu giữ tục này. Thời xưa cô dâu thường quấn khăn nhiễu trên đầu và trên khăn sẽ có cài trâm hoặc 7 que kim. Tục này xuất hiện để tránh tai biến " Thượng Mã Phong" cho người con trai trong ngày động phòng
"Thượng Mã Phong" hay còn gọi là "Phạm phòng" là một hiện tượng có thể gây đột tử, hoặc để lại di chứng ở con người khi sinh hoạt tình dục ở một số điều kiện nhất định. Đông y gọi là chứng tẩu dương, nếu chứng tẩu dương xuất hiện khi đang giao hợp gọi là " Thượng Mã Phong", nếu xuất hiện sau khi giao hợp xong thì gọi là "Hạ Mã Phong"
Lưu ý:
Khi xảy ra trường hợp thượng mã phong, người vợ tuyệt đối không được đẩy chồng ngay ra tức khắc, điều đó có thể dẫn đến việc mất điều hòa khí âm, khí dương khi đó người chồng khó lòng cứu chữa.
Lý giải việc mang theo 7 cây kim: theo quan niệm cổ truyền " Nam thất, nữ cửu" ( Đàn ông 7 vía, đàn bà 9 vía) Đề phòng xa, dùng cho con rể nên bà mẹ vợ chỉ đưa 7 chiếc kim.
Lý giải người đàn ông bị "thượng mã phong" người đàn ông trước ngày lấy vợ thường lo lắng ngược xuôi, bận rộn vất vả cho ngày cưới. Đến đêm tân hôn là tâm hồn xao xuyến, rạo rực, lại thêm mấy chén rượu khi mời tiệc. Khi động phòng đến thời điểm cảm xúc quá đà, nếu người có thể chất yếu và tâm thần suy tổn nhiều, thì lúc xuất tinh, trạng thái thần kinh đang ở hưng phấn quá độ chuyển thành ức chế quá độ và dễ bị phạm phòng.