Tục cưới hỏi kỳ lạ của người Jrai (Gia Rai) ở Tây Nguyên - Văn hóa phong tục Việt Nam
Người Jrai ở Tây Nguyên theo chế độ ngoại hôn, khác với dân tộc Kinh là chế độ nội hôn. Sau khi cưới, người chồng sống bên nhà vợ và việc hôn sự trong cùng dòng họ là bị cấm kỵ. Dù cho không còn thấy liên quan gì tới huyết thống nhưng cùng dòng họ cũng không được kết hôn với nhau, nhất là những thành viên trong dòng họ mẹ tuyệt đối không được lấy nhau. Vì thế tất cả những trường hợp kết hôn giữa các con, cháu, chắt, chút chít...của chị em gái ruột thịt đều bị coi là loạn luân.
Cưới chồng cho con gái: Mỗi nóc nhà sàn của người Jrai chỉ có vợ chồng và các con. Khi con cái lớn khôn, trai thì đi theo vợ về làm rể, con gái cưới chồng thì sẽ phải tách ra ở riêng. Đến tuổi về già, cha mẹ thường chọn một đôi vợ chồng con cái, thường là con út để ở cùng. Các cô con gái khi làm nhà đều được mẹ chia của cải, trong khi các chàng trai đi lấy vợ lại không được gì.
Ví dụ: Con gái đầu lòng được một ché rượu cần, một chiếc nồi đồng, một con trâu và một con lợn để làm giống. Cuối cùng còn lại những tài sản quý giá nhất của cha mẹ như ché "túc", chiêng quý, nồi đồng to, vòng chân, vòng tay...và khu đất canh tác tốt dành cho người thừa kế, người đó có nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ, thường là con gái út.
Người Jrai cũng giống như người Kinh, cũng nhờ "ông mai bà mối" xe duyên. Đến tuổi dựng vợ gả chồng, cả nam và nữ Jrai đều có quyền lựa chọn người yêu. Phụ nữ Jrai thường chủ động lựa chọn chồng tương lai của mình. Khi các cô gái tìm thấy ý chung nhân sẽ rút vòng tay nhờ ông mối đem đến trao tận tay cho người con trai ấy. Nếu người con trai ấy ưng thuận sẽ nhận vòng, nếu không họ cũng cầm vòng một lúc rồi trả lại ông mối. Cô gái có thể nhờ ông mối trao vòng cho người đàn ông mà họ thích nhiều lần, đến khi không còn hy vọng mới thôi. Nếu người con trai đồng ý nhận vòng, ông mối sẽ hẹn ngày mai gặp mặt tại một địa điểm nhất định, để cô gái nhận vòng của người con trai đó. Ông mối là người chứng kiến và căn dặn kỹ càng các công việc cần thiết để đôi bên đi đến lễ cưới.
Để chuẩn bị cho đám cưới, nhà gái phải sắm đầy đủ: một ché rượu cho ông mối, một ché rượu cho người chồng tương lai và một ché rượu nữa để cho bên nhà gái uống. Bên nhà trai cũng phải có một con lợn khoảng vài chục ký để cưới vợ.
Hôn lễ được tiến hành ở nhà gái gồm 3 bước:
- Nghi lễ Phai ( lễ thành thân): Trong nghi lễ này, bên nhà gái sẽ đặt ché rượu ở giữa nhà. Cô dâu chú rể ngồi song song, mặt hướng về phía cửa ra vào. Ông mối ngồi bên nói "Đây là lúc hai bên nính thở để hắt hơi" (Ý nói trai gái lần đầu gần gũi) Lúc đó không khí rất trang trọng và hồi hộp
Ở Ayun Pa - Gia lai, khi đã làm lễ này, nếu cô dâu tự ý bỏ chồng, thì em gái của cô dâu buộc phải thay thế và ngược lại nếu chú rể bỏ vợ, phải đền 4 con trâu lớn.
- Nghi lễ Chúa hpiếu (đoán mộng): Trước đêm tân hôn, nếu bên vợ hoặc bên chồng nằm mơ thấy bắt cá thả vào nước là sẽ có con. Nếu mơ thấy cầm dây, cắt cỏ tranh là điều dữ, vợ chồng phải ly dị, cửa nhà tan nát. Họ phải để cho ông mối biết để ông mối xin với thần báo mộng để trì hoãn điềm xấu trong một năm. Nếu giấc mơ giữ lặp lại thêm lần nữa thì họ đành phải ly dị nhau để tránh các điều dữ xảy ra sau này.
- Nghi lễ Vít sang ami (trở lại nhà mẹ): Vài ngày sau khi cưới, rể mới rời nhà vợ để về nhà cha mẹ đẻ. Sau đó, người vợ phải chuẩn bị một ché rượu cùng một con gà đã mổ mang sang mời chú rể trở lại nhà mình. Theo lệ, lúc đầu người chồng phải khước từ và người vợ phải trở về một mình. Một tháng sau, cô dâu mới quay về bên nhà chồng, khi trở lại nhà chồng lần này cô dâu phải biếu mẹ chồng một bộ váy áo, bố chồng một bộ khố. Cô dâu lại ở nhà chồng chừng vài ba ngày làm phận dâu con như lấy nước, nhặt củi, quay sợi, dệt vải. Sau đó cả hai vợ chồng mới xin phép cha mẹ chồng về hẳn bên nhà vợ và đến đây, mọi thủ tục hôn lễ chính thức kết hôn