Ai làm nội dung trên YouTube đều mong kênh mình sẽ được bật “nút kiếm tiền”, hay nói cách khác là đủ điều kiện tham gia Chương trình Đối tác YouTube (YouTube Partner Program) để được YouTube chia sẻ một phần doanh thu và tham gia các hình thức kiếm tiền khác. Và mới đây công ty chủ quản của YouTube là Google đã công bố rằng nền tảng này hiện đã có 2 triệu nhà sáng tạo nội dung (content creator) và đã chi trả 30 tỉ USD trong 3 năm qua.
YouTube hiện có 10 tính năng kiếm tiền: Ads (Quảng cáo), Premium (đăng ký Premium), Super Chat (tin nhắn trò chuyện nổi bật), Super Stickers (Sticker đặc biệt), Super Thanks (tiền tặng từ người hâm mộ), Memberships (đăng ký hội viên kênh), Merch (bán hàng), Ticketing (bán vé, dành cho kênh nghệ sĩ), BrandConnect (kết nối thương hiệu với nhà sáng tạo), Funds (gây quỹ). Ngoài ra YouTube còn nỗ lực cạnh tranh với TikTok khi công bố khoản ngân quỹ 100 triệu USD từ năm 2021 đến 2022 để thúc đẩy nội dung trên nền tảng video ngắn YouTube Shorts mới.
2 triệu người sáng tạo đó ở khắp nơi trên thế giới. Vào năm 2020, số kênh YouTube mới tham gia vào chương trình kiếm tiền đã tăng gấp đôi so với năm trước. Và số lượng các kênh YouTube đạt doanh thu từ 6 con số trở lên đã tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm ngoái tại Hoa Kỳ.
YouTube đã chi trả 30 tỉ USD cho những người sáng tạo nội dung, nghệ sĩ và các công ty truyền thông trong 3 năm qua. Tính thời gian gần đây hơn thì doanh thu quảng cáo của mạng xã hội video này đã vượt 7 tỉ USD trong quý 2 năm 2021, dẫn đến khoản thanh toán hàng quý cao nhất trong lịch sử của YouTube.
Nhiều người trong số những người sáng tạo của YouTube đang tạo ra việc làm và đóng góp cho nền kinh tế địa phương và toàn cầu. Chỉ riêng trong năm 2019, hệ sinh thái sáng tạo của YouTube đã hỗ trợ tương đương 345.000 công việc toàn thời gian chỉ riêng ở Hoa Kỳ.