Trong tất cả các tính năng và mọi mặt của YouTube, ‘Thuật toán Đề xuất video' là một điều khó hiểu và gây nhiều tranh cãi từ trước đến nay. Đây là một thuật toán của YouTube sẽ gợi ý và hiển thị một cách tự nhiên các video hoặc các kênh trên YouTube cho khán giả xem, ngay cả khi họ chưa đăng kí theo dõi kênh đó.
Nhiều YouTuber hay còn được gọi là Content Creator sau một thời gian chăm chỉ sáng tạo và đều đặn đăng tải video lên YouTube, họ đều có chung băn khoăn: YouTube dựa vào những yếu tố nào để quyết định đề xuất một số video hoặc kênh YouTube nhất định?
Dưới đây là các thắc mắc thường gặp của các nhà sáng tạo nội dung được chính Phó giám đốc kỹ thuật của YouTube - ông Cristos Goodrow - giải đáp về cách thức và lý do YouTube quyết định gợi ý các video đề xuất đó.
1. THỜI GIAN XEM (WATCH TIME) VÀ TỶ LỆ GIỮ CHÂN NGƯỜI XEM (USER RETENTION) TRÊN YOUTUBE
Câu hỏi nhiều người thắc mắc nhất là liệu hệ thống đề xuất YouTube có ưu tiên số liệu ‘Tổng thời gian xem’ hơn so với số liệu về ‘tỷ lệ giữ chân người xem' hay không? Đã có một ví dụ đặt ra là: Khi người dùng xem 50% video có độ dài năm phút (người xem xem 2,5 phút) thì sẽ tốt hơn hay kém hơn so với việc người dùng xem ba phút cho video dài mười phút?
Ông Goodrow đã trả lời rằng: “Ngoài trách nhiệm mà YouTube đem lại cho người xem, điều quan trọng nhất đối với một hệ thống đề xuất video đó là sự hài lòng của khán giả. Vì vậy, câu trả lời cho câu hỏi này phụ thuộc vào việc video nào trong hai video kể trên có khả năng làm hài lòng người xem nhất.”
Ông ấy cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi nhận thấy rằng, nhìn chung, một điều khá hiển nhiên đó là độ hài lòng của người xem cũng tỷ lệ thuận với thời gian xem của họ đối với video đó!”
Tuy nhiên, theo hệ thống của YouTube, một số người dùng có thể chỉ xem một đoạn ngắn của một video nhưng vẫn “hài lòng”. Vì vậy, khi nói đến thời gian xem so với tỷ lệ giữ chân người xem, thuật toán đề xuất của YouTube sẽ ưu tiên sở thích xem của từng người dùng, và sau đó có thể đi kèm với thời gian xem trung bình hoặc tỷ lệ giữ chân người dùng của video, tùy thuộc vào nội dung video và hành vi xem trước đó của người xem.
2. MỘT VIDEO SẼ MẤT BAO LÂU ĐỂ ĐƯỢC HỆ THỐNG CHỌN ĐỀ XUẤT CHO NGƯỜI XEM?
Một câu hỏi tiếp theo mà nhiều nhà sáng tạo thắc mắc liệu rằng, hệ thống đề xuất YouTube sẽ mất bao lâu để nhận biết một video mới tồn tại?
Trả lời cho câu hỏi này, ông Goodrow nói rằng: “Thời gian lý tưởng nhất sẽ là ngay sau khi video được đăng tải!”. YouTube luôn có một “đường dẫn đặc biệt" cho những video mới này để đảm bảo rằng video có thể được được đề xuất cho khán giả.
Nhưng vẫn có những trở ngại khiến các video mới toanh trên YouTube không được đề xuất thường xuyên như các video cũ hơn khác. Goodrow nói: “Điều quan trọng nhất là cố gắng tìm ra người xem nào sẽ quan tâm đến những video này và đó là điều đặc biệt khó đối với các video mới, vì hệ thống YouTube chưa có nhiều thông tin về chúng cũng như khán giả của nội dung mới này”.
Một số video mới sẽ dễ dàng phù hợp với người xem — chẳng hạn như video Binging with Babish mới có thể không khó để được đề xuất cho những người thường xuyên xem các nội dung nấu ăn. Tuy nhiên, các video khác thì sẽ kén người xem hơn. Goodrow nói rằng YouTube rất thận trọng để giảm thiểu khả năng "gợi ý sai" và giới thiệu video tới nhóm đối tượng người xem không quan tâm đến nội dung ấy. Điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lưu lượng truy cập của video đó.
3. TẠI SAO YOUTUBE CÓ XU HƯỚNG ĐỀ XUẤT CÁC KÊNH LỚN THAY VÌ CÁC KÊNH MỚI HOẶC KÊNH NHỎ?
Đây cũng là một câu hỏi được hỏi thường xuyên: Tại sao người dùng lại được YouTube đề xuất video từ các kênh lớn như PewDiePie chứ không phải các kênh nhỏ hơn?
Ông Goodrow nói: “Chúng tôi thực sự rất cố gắng giới thiệu các video từ các kênh nhỏ. Nhưng một lần nữa, một vấn đề lớn với việc quảng bá kênh nhỏ trên diện rộng đó là thiếu thông tin về các kênh này.”
Với các kênh nhỏ, YouTube có rất ít thông tin về khán giả của kênh đó. YouTube nỗ lực để thay đổi điều này bằng các “dự án đặc biệt” dành riêng cho việc thúc đẩy nội dung của các YouTuber mới – một tính năng mới New To You đã được ra mắt vào tháng 7 năm nay.
4. TỶ LỆ GIỮA LƯỢT XEM (VIEW) VÀ SỐ LƯỢNG NGƯỜI THEO DÕI (SUBSCRIBER) CÓ ĐÁNG QUAN TÂM KHÔNG?
Các Nhà sáng tạo nội dung YouTube cũng khá quan tâm đến việc “tỷ lệ phần trăm giữa lượt xem và lượt đăng ký" - có nghĩa là số lượng người xem mà video của họ nhận được là từ những người chưa đăng ký và không đăng ký sau khi xem – có ảnh hưởng như thế nào đến cơ hội được đề xuất cho những người xem khác. Bạn có thể đã thấy một vài YouTuber mà bạn yêu thích tạm dừng việc đăng tải video để đánh dấu cột mốc lượng người xem đăng kí kênh của họ – một con số liên tục hiển thị cho những YouTuber này trong Creator Studio.
Goodrow nói: “Không có một công thức rõ ràng hay con số bắt buộc nào về tỷ lệ lượt xem và lượt đăng kí của video.”
Một video vlog hàng ngày có thể có tỷ lệ người đăng ký so với lượng người xem rất cao, bởi vì nhóm khán giả thuộc nhóm khán giả trung thành, đã đăng ký kênh để luôn quay lại để xem các video khác”. Mặt khác, các kênh hướng dẫn, tutorial có thể có tỷ lệ lượt xem - lượt đăng kí khá thấp, bởi vì những người theo dõi nội dung này chỉ cần xem một hoặc hai lần để tìm ra cách thắt cà vạt hoặc cách sửa bồn rửa tay, và họ không mấy hứng thú muốn theo dõi cuộc sống cá nhân của chủ kênh YouTube đó.
Mặc dù đây là một thông số quan trọng cho các Nhà sáng tạo: Nếu một người đăng ký kênh của bạn, thì hệ thống đề xuất của YouTube biết rằng họ ít nhất đã quen thuộc với nội dung của kênh đó (nếu không có các tác động đặc biệt nào khác). Tuy nhiên, đối với YouTube, thông số này không quan trọng bằng những chỉ số khác, như những nội dung video mà khán giả đã xem gần đây, hoặc những chủ đề mà khán giả quan tâm.
5. HAI ĐIỀU QUAN TRỌNG MÀ HỆ THỐNG ĐỀ XUẤT YOUTUBE MUỐN BẠN BIẾT
Ông Cristos Goodrow mong muốn các Nhà sáng tạo nội dung có thể hiểu hơn về thuật toán đề xuất của YouTube và chia sẻ 2 điều quan trọng:
- Hệ thống đề xuất của YouTube sẽ ưu tiên mang đến các video mà người xem cảm thấy hài lòng nhất. Vì vậy, các Nhà sáng tạo nội dung nên cá nhân hoá nội dung của mình cho khán giả.
- Tập trung tìm kiếm và thu hút khán giả mục tiêu (niche) của kênh YouTube của bạn. YouTube là nơi tập hợp của hàng triệu đối tượng khán giả khác nhau, và thậm chí tệp khán giả của kênh YouTube lớn nhất cũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng người xem khổng lồ trên YouTube. Vì vậy, bất kỳ nội dung nào cũng đều có sân chơi trên YouTube, và nhiệm vụ của các Nhà sáng tạo nội dung là tìm được tệp người xem riêng cho chính bản thân mình.