Trước đây, việc hóa duyên không giống như đi khất thực như hiện nay, mà phải ngồi cố định lại một chỗ để niệm Phật tụng kinh và treo bảng với mục đích hóa duyên ở đó.
Có một lão hòa thượng, xuống núi vào thành phố hóa duyên gây quỹ mở rộng tu viện. Ngài ngồi đầu đường tụng kinh niệm Phật suốt bảy ngày, nhưng hóa duyên đến nửa đồng cũng không được. Có một cậu bé bán bánh mỗi ngày đều đi ngang qua con phố này, thấy lão hòa thượng ngày ngày ngồi dưới ánh nắng cháy bỏng mà chẳng hóa duyên được nửa xu, trong lòng thương cảm, cậu bé móc hết trong túi số tiền kiếm được từ việc bán bánh, gom hết thảy cúng dàng cho ngài. Lúc từ biệt, lão hòa thượng nói với cậu: "Này bạn nhỏ, con có thiện căn tốt như vậy, biết gieo trồng phúc báu bố thí, sau này nếu con có gặp khó khăn gì thì tìm đến thầy ở ngôi chùa trên ngọn núi kia, thầy sẽ đón con vào!".
Lão hòa thượng là bậc thánh giả tu hành, biết trước cậu bé sẽ đến, liền thông báo cho mọi người trong chùa biết: "Ngày mai sẽ có vị đại thí chủ đến, mọi người nên ra đón tiếp nhé!".
Ngày hôm sau, đại chúng theo sự chỉ dẫn của lão hòa thượng xếp hàng ở cổng núi để đón tiếp từ sáng sớm. Họ đợi cho đến khi mặt trời sắp lặn, thế nhưng họ không thấy một vị thí chủ nào đến. Đúng lúc mọi người còn đang thắc mắc vị hòa thượng hỏi: "Đại thí chủ của chúng ta đã đến chưa?".
"Bạch hòa thượng! Con không thấy đại thí chủ nào đến cả, chỉ thấy một đứa bé ăn xin mù lòa, thân hình vừa dơ dáy vừa hôi thối mới chống gậy đi vào. Con sợ thất lễ với vị đại thí chủ tôn quý nên đã mời đứa bé rời đi rồi".
Lão hòa thượng nghe vậy vội vàng bảo: "Chết rồi! Chết rôi! Nhanh chạy theo mời cậu bé đó trở lại, cậu bé ấy chính là đại thí chủ ta muốn nghênh đón! Mau mau mời thí chủ quay lại, nghênh đón!. Sau khi nghe xong đệ tử vội vàng chạy theo con đường mòn, cũng may cậu đi chưa xa, nên vẫn kịp đưa về chùa.
Những ngày ở chùa, dù cậu bé được chăm sóc chu đáo nhưng khó tránh khỏi những việc không ngờ đến. Một ngày kia, khi đi vệ sinh, cậu bé không may sẩy chân rơi xuống hầm xí mà chết. Tin này dần dần lan truyền ra ngoài và bắt đầu có những lời bàn tán xôn xao: "Tội thật! Thà đừng làm việc tốt còn hơn, ban đầu bán bánh kiếm cơm qua ngày thì không sao cả, đến khi vừa làm việc tốt xong, không những thất nghiệp mà mắt cũng mù luôn, cuối cùng còn sẩy chân rơi xuống hầm xí mà chết, lẽ nào tin Phật bố thí cuối cùng lại nhận về quả báo chết thảm?" Từ đó, họ chẳng những không thắp hương lễ bái, mà còn không có tâm nguyện hành thiện giúp đời.
Để dập tắt những lời thị phi, vị hòa thượng mời dân làng lên núi dùng cơm chay và nhân đó vì họ thuyết pháp. Ngài giảng: "Chúng ta sống trên cuộc đời này, không việc gì mà không có nhân quả! Đứa nhỏ này vốn dĩ sẽ phải chịu quả báo trong ba kiếp: Kiếp thứ nhất chịu nhận quả báo nghèo cùng khốn khổ, kiếp thứ hai chịu quả báo mù lòa, kiếp sau cùng sẽ chịu quả báo chết đuối. Do nhờ công đức bố thí cúng dàng mà nghiệp báo trong ba đời có thể trả hết trong một đời, kiếp sau sẽ được tái sinh vào gia đình giàu có, từ nhỏ có chí xuất gia, tu chứng thánh quả, thoát khỏi cảnh sinh già bệnh chết trên thế gian".
Người ta thường nói: "Sao người làm nhiều điều xấu ác mà không bị quả báo ác? Trái lại, người làm điều thiện tích đức lại bị quả báo ác?" Thật ra mà nói, mọi việc xảy ra trong cuộc sống không có gì là tự nhiên, Phật giáo giảng về "nhân quả" đều nói "nhân quả ba đời". Nghĩa là, đôi lúc chúng ta không thể chỉ nhìn vào nhân quả, nghiệp báo trước mắt, mà phải nhìn thấy thông suốt qua ba đời. Ngạn ngữ có câu rằng "Thiện ác cuối cùng rồi cũng đến, chẳng qua nó đến sớm hay muộn mà thôi". Mang nợ người rồi thì một ngày nào đó cũng phải trả, nghiệp đã tạo ra cũng phải trả quả báo. Vì vậy, nếu chúng ta muốn đạt được kết quả tốt trong tương lai, thì chúng ta phải nỗ lực gieo trồng nhân lành duyên tốt ở ngay cuộc sống hiện tại này.